Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

Sách Rutơ: "Một Ngọn Đèn Trong Thời Buổi Tối Tăm"


Từ Sự Sáng Tạo Đến Thập Tự Giá
Một Ngọn Đèn Trong Thời Buổi Tối Tăm
Mục sư: Bob Deffinbaugh
Sách Rutơ
Phần Giới Thiệu:
Cách đây mấy năm, tôi lọt vào giữa một cuộc tranh cãi thần học về việc dâng phần mười. Một nhà thờ cách đây nhiều dặm đường đã tìm cách phân biệt cấp lãnh đạo của họ bị buộc phải dâng phần mười. Một cấp lãnh đạo có bị buộc phải dâng phần mười không? Bao nhiêu chứ? Có phải phần mười có thuộc về thu nhập “nặng” hay thuộc “phạm vi” của ông không? Khi được mời để đưa ý kiến, tôi nhảy ngay vào cuộc bàn bạc ấy, với sự tin chắc rằng mình có câu trả lời theo Kinh thánh. Tôi tưởng mình có câu trả lời đúng từ quan điểm chuyên môn, nhưng sự chú ý của tôi lại hướng về sách Rutơ. Sau khi xem xét sứ điệp của quyển sách nhỏ mà quan trọng nầy, và đặc biệt tấm gương của Bôô, tôi nhận ra rằng toàn bộ sự tiếp cận của tôi trong cuộc bàn bạc nầy về mặt cơ bản là không hoàn hảo. Tôi phải viết thư cho một người mà với người ấy tôi đã giao tiếp và nói cho người ấy biết về sự đổi lòng và trí của tôi.
Rutơ là một quyển sách đáng kinh ngạc nhất. Sách chỉ có bốn chương, song nó thuật lại một câu chuyện làm ấm lòng nhất nói về một góa phụ Do thái, cô con dâu dân Ngoại của bà ta, và một quí ông Do thái lớn tuổi có một tấm lòng bao la. Mặc dù là ngắn, đây là một câu chuyện rất quan trọng. Nó có mọi hàm ý cho người Do thái xa xưa, và nó tiếp tục nói với hạng thánh đồ ngày nay nữa đấy. Chúng ta nên lắng nghe thật kỹ quyển sách nầy, cầu xin Đức Thánh Linh mở tâm trí chúng ta ra trước sứ điệp mà nó dành cho chúng ta.
Câu chuyện nói tới Rutơ đã diễn ra trong thời buổi tối tăm Các Quan Xét (1:1). Sách Các Quan Xét là một quyển sách lộn lạo nhất, hay nó mô tả thời buổi khi dân Israel không có vua, và khi nhiều người nam người nữ đã hành động theo kiểu tự phát – họ “làm theo ý mình lấy làm phải”. Họ không sống theo luật pháp, mà theo động lực và mọi xu hướng của riêng họ. Chúng ta đọc thấy một vòng quay tội lỗi liên tục, sự phán xét thiêng liêng, nài xin Đức Chúa Trời cứu giúp, sự giải cứu thiêng liêng, và rồi tái phạm tội lỗi còn lớn lao hơn nữa. Chúng ta đọc thấy những người nam yếu đuối và người nữ mạnh mẽ, một người Lêvi được thuê mướn với một giá cao, và một người khác cắt vợ mình ra làm 12 mảnh, để ông ta gửi cho các chi phái Israel. Trong giờ lịch sử tối tăm của Israel, đã có một góa phụ Do thái, một người dân Ngoại tên là Rutơ, và một người Do thái tin kính, giàu ơn tên là Bôô. Họ có nhiều điều để dạy dỗ chúng ta.
Trước khi chúng ta đi xa hơn, tôi phải nói một lời về dân Môáp. Rutơ, vị nữ anh hùng trong câu chuyện của chúng ta, là một phụ nữ người Môáp. Dân Môáp là dòng giống kết quả từ sự hội hiệp của Lót và con gái lớn của mình, như đã được mô tả trong Sáng thế ký 19:30-38. Dân Môáp không phải là dân Canaan. Trong khi dân Môáp bị cấm không được bước vào hội mạc của Chúa cho đến đời thứ mười (Phục truyền luật lệ ký 23:3), dân Israel không được truyền cho phải tiêu diệt họ, và họ không bị cấm kết hôn với dân Môáp (Phục truyền luật lệ ký 20:10-15; 21:10-14; đối chiếu 7:1-6; 20:16-20). Bạn sẽ nhớ lại rằng khi David bị Saulơ truy đuổi, ông đã đưa bố mẹ mình sang vua Môáp xin bảo hộ (I Samuên 22:3). Ít nhất một số người Môáp là thân tộc của David.
Cách tiếp cận của tôi trong bài học nầy sẽ là đưa ra một nhận định tóm tắt về câu chuyện của sách Rutơ, rồi kế đó xem xét từng nhân vật chính. Sau cùng, chúng ta sẽ tìm kiếm để thấy được sự góp phần của sách nầy trong Kinh thánh, và khám phá sự liên quan và ứng dụng của sách ấy cho nhiều người nam người nữ ngày nay.
Câu chuyện của sách Rutơ
Sách Rutơ bắt đầu với nạn đói kém trong xứ Israel. Nạn đói nầy đã giục giã Êlimêléc phải rời xứ Israel cùng với gia đình mình rồi hành trình nhất thời sang xứ Môáp. Êlimêléc dường như đã qua đời rất sớm sau khi họ đến tại xứ Môáp. Êlimêléc cùng vợ mình, là Naômi, có hai người con trai. Mỗi người con đều kết hôn cùng với một phụ nữ người xứ Môáp, và hiển nhiên, cả hai người con trai đều chết không có con cái chi hết.
Naômi bị bỏ lại chỉ với hai người con dâu, Rutơ và Ọtba. Bà đã nghe nói Đức Chúa Trời đã viếng thăm dân sự của Ngài và một lần nữa lại có lúa trong xứ Israel. Naômi có ý định quay trở về, nhưng bà giục giã hai cô con dâu nên ở lại trong xứ Môáp. Bà tìm cách giục Ọtba nên trở về với cha mẹ của nàng, còn Rutơ thì quyết ở lại với Naômi, bất luận với giá nào. Bà không thể khuyên cách nào khác, và thế là Naômi, cùng với Rutơ, trở về xứ Israel.
Khi họ về đến thị trấn quê hương của Naômi là Bếtlêhem, dân sự ngay lập tức nhận ra bà và thấy phấn khích khi bà đã trở về. Naômi mau chóng nói cho họ biết mọi sự khốn nạn của mình, đổ thừa mọi lo buồn của mình lên Đức Chúa Trời, là Đấng dường như đã gán nổi đau khổ ấy lên bà, hay bà có ý ám chỉ như thế (1:20-22).
Ngay lập tức, Rutơ đi ra để lo liệu phần chu cấp mọi nhu cần của Naômi. Nàng khởi sự mót lúa trong đồng ruộng gần đó của một người họ hàng của Êlimêléc (2:3). Rutơ mau chóng bị những người đang lao động trong ruộng phát hiện vì nàng mót lúa rất chăm chỉ, ít khi dừng lại để nghỉ ngơi (2:7). Bôô cũng để ý đến nàng nữa và biết chắc rằng Rutơ phải được bảo hộ và tiếp trợ cho với lúa mót được khi nàng tìm cách chăm sóc cho mẹ chồng mình.
Naômi hay rằng Bôô đang tỏ ra sự tử tế cho Rutơ, và vì thế bà đã hành động như một người mai mối, tìm cách sắp đặt mối hôn nhân của Rutơ và Bôô. Naômi đã vạch ra một chương trình nhơn đó Rutơ có thể tỏ ra nhu cần của mình về một người chồng và ao ước của nàng là được kết hôn với Bôô. Chương trình đã đi vào hành động, và Bôô tỏ ra rằng ông có ý muốn cưới Rutơ, nếu như ông không phải là một người bà con gần. Bôô đã gặp gỡ người bà con gần nhứt tại cổng thành, trao cho người kia cơ hội để mua lấy đất đai của Êlimêléc, và buộc phải cưới Rutơ làm vợ. Người bà con gần nhứt kia bằng lòng mua đất đai của Êlimêléc song không muốn bàn tay của Rutơ trong hôn nhân, và thế là Bôô có cả đất đai và nàng Rutơ. Họ kết hôn, và đứa con Rutơ sanh cho Bôô được đặt tên là Ôbết. Ôbết là ông nội của David.
Ba nhân vật chính trong sách Rutơ
Naômi
Tôi phải xưng nhận với độc giả của tôi rằng Naômi không phải là một nhân vật Kinh thánh mà tôi ưa thích đâu. Chắc chắn bà ấy không phải là một nữ anh hùng, giống như Rutơ. Tôi nghĩ bà ta là một loại hỗn hợp của Giacốp, Gióp, Giôna, và Êxơtê. Naômi dễ đạt được một tước hiệu xứng đáng là một trong số “phụ nữ tồi tệ trong Kinh thánh”. Tôi e rằng nhiều Cơ đốc nhân đã bị sai lạc bởi một số tuyên truyền thịnh hành tìm cách “thánh hóa” Naômi. Cho phép tôi chỉ ra một số vấn đề về Naômi.
Ở chương 1, Kinh thánh cho chúng ta biết rằng chồng của Naômi đã qua đời, để Naômi và hai con trai của bà lại đó (1:3). Tôi có ấn tượng rằng Êlimêléc đã chết sớm sau khi họ đến tại xứ Môáp. Mấy chàng trai kia sau đó đã kết hôn, sau cái chết của cha họ. Kinh thánh cho chúng ta biết rằng họ đã cưới vợ người xứ Môáp. Tôi kết luận rằng họ đã kết hôn sau khi cha họ qua đời, và vào thời điểm mà Naômi đã có chức năng làm đầu của gia đình. Naômi một là đã tổ chức hôn nhân nầy cho các phụ nữ xứ Môáp, hoặc bà đã thụ động cho phép rồi chấp nhận họ. Naômi cùng hai người con trai đã sống trong xứ Môáp khoảng 10 năm trời (Rutơ 1:4). Trong suốt thời gian nầy, Naômi rõ ràng chẳng thực thi một nổ lực nào để trở về xứ Israel mặc dù dự tính của chồng bà là sang xứ Môáp cho tới chừng nạn đói kém đã qua.
Khi Naômi sau cùng quyết định trở về xứ Israel, ấy là vì bà đã nghe nói rằng Đức Chúa Trời một lần nữa đã cung ứng lúa trở lại cho dân sự Ngài. Không có nhắc tới nạn đói kém nầy là kỷ luật của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi và tình trạng thờ lạy hình tượng của Israel. Chẳng có một nhận định nào rõ ràng cho rằng việc rời xứ Israel là lìa bỏ chốn đặc biệt có sự hiện diện và phước hạnh của Đức Chúa Trời. Chẳng có một thái độ sốt sắng nào rõ ràng muốn trở về lại xứ Israel. Lý do duy nhất được đưa ra cho sự trở về của Naômi, ấy là xứ sở giờ đây đang sản xuất lúa gạo. Mọi lý do của bà trong việc trở về xứ dường như thực dụng hơn điều đáng trượng nữa.
Cái điều đáng buồn, ấy là Naômi cứ khăng khăng mấy đứa dâu của bà phải ở lại trong xứ Môáp, và họ nên tìm chồng ở đó. Tồi tệ hơn nữa, cái điều rõ ràng, ấy là họ nên ở lại trong xứ Môáp làm người nữ Môáp, lo thờ lạy các thần tượng của xứ Môáp:
“Na-ô-mi nói cùng Ru-tơ rằng: Nầy, chị con đã trở về quê hương và thần của nó; con hãy trở về theo nó đi!” (Rutơ 1:15)
Người ta không thể biết được mọi động lực của Naômi là gì ở đây, nhưng nếu bà hiểu rõ sự gian ác của tình trạng thờ lạy hình tượng, bà sẽ nhận ra rằng việc thúc giục mấy cô con dâu của mình ở lại trong xứ Môáp và thờ lạy các thần Môáp là đáng nguyền rủa.
Sau cùng ở chương 1, Naômi đỗ thừa Đức Chúa Trời về nổi khổ của mình:
“chúng con há lại muốn đợi cho đến chúng nó khôn lớn, và không lấy chồng khác hay sao? Không, hỡi chúng con, nỗi sầu thảm của mẹ cay đắng muôn phần hơn của chúng con, vì tay của Đức Giê-hô-va đã giơ ra hại mẹ” (1:13, phần nhấn mạnh là của tôi).
“Người đáp: Chớ gọi tôi là Na-ô-mi, hãy gọi là Ma-ra, vì Đấng Toàn Năng đã đãi tôi cách cay đắng lắm. Tôi đi ra được đầy dẫy, nhưng Đức Giê-hô-va dắt tôi về tay không. Đức Giê-hô-va đã giáng họa cho tôi, và Đấng Toàn năng khiến tôi bị khốn khổ, vậy còn gọi tôi là Na-ô-mi làm chi?” (1:20-21, phần nhấn mạnh là của tôi).
Khi Naômi trở về thị trấn quê hương mình là Bếtlêhem, ngay lập tức người ta nhận ra bà và họ vui mừng tiếp đón bà về quê nhà. Có một không khí lễ hội vui mừng, song Naômi mau chóng “mưa trên cuộc diễu hành của họ”. Naômi chẳng xưng ra một tội lỗi nào hết. Bà nói tới Đức Chúa Trời là Đấng toàn năng, mà cũng là Đấng độc ác và rất thất thường. Đức Chúa Trời là nguồn của sự đau khổ của bà, nguồn ấy chẳng làm gì với tội lỗi của bà, hay với tội lỗi của dân tộc bà.
Ở chương 2, chúng ta thấy Rutơ đang chịu khó lao động để cung ứng cho mẹ chồng và cho bản thân mình, nhưng chúng ta không đọc thấy Naômi đi ra đồng để mót lúa. Một điều rất ấn tượng là Êlimêléc và Naômi rất giỏi làm lụng trước nạn đói kém (họ “đi ra được đầy dẫy” – 1:21). Có phải Naômi không lao động vì bà ta đã cao tuổi yếu ớt không? Có lẽ lắm. Nhưng điều đó cũng bất khả thi vì bà ta đã không làm như Rutơ đã làm vì bà ta cảm thấy điều nầy làm cho bà ta ra thấp kém, vì bà ta quá kiêu ngạo chăng? Nhiều lần ở Đài loan và các nơi khác tôi đã lấy làm lạ khi thấy người cao tuổi đã chịu khó lao động để giúp đỡ cho gia đình họ.
Ở chương 3, mọi hành động của Naômi làm dấy lên một số bức xúc. Naômi tự thấy rằng Rutơ phải có một người chồng và một ngôi nhà. Trong vấn đề phải suy nghĩ, việc nầy dường như là một việc tồi tệ lắm. Song phương pháp đem lại sự việc nầy của bà rất đáng thắc mắc. Thứ nhứt, trong khi có người tìm cách chỉ ra phương pháp mà Naômi đã sử dụng là một thông tục quen thuộc vào thời ấy, tôi không tin đây là trường hợp đâu. Hãy xem xét lời lẽ của Leon Morris:
“Chúng ta có ít hiểu biết về thông tục thịnh hành trong xứ Israel đời xưa và những sự xếp đặt hôn nhân ở đây được tóm tắt lại mà chẳng có một chỗ nào xác nhận hết”.
“Nội dung cho thấy rõ ràng là điều nầy mô tả một phương thức bởi đó Rutơ báo cho Bôô biết nàng có ý muốn lấy ông làm chồng. Những phương pháp tiếp cận thông thường chắc chắn là khó khăn và điều nầy đã cung ứng một phương tiện thích nghi. Nhưng tại sao điều đó phải được thực hiện theo cách nầy thì tôi không biết. Chúng ta cũng không biết việc nầy có phải là thông tục được thực hiện rộng rãi hay không. Việc ấy không được xác chứng khác hơn ở đây”
.
Thứ hai, Bôô không phải là người bà con gần nhất của Êlimêléc. Tôi e là Rutơ vốn biết rõ sự nầy cho tới khi Bôô thông báo cho bà biết sự thực (3:12); song chắc chắn là Naômi đã biết. Vậy tại sao Naômi lại tìm cách sắp đặt hôn nhân của Rutơ với Bôô, thay vì với người bà con gần nhất?
Thứ ba, dường như là bất thường khi Rutơ lại là một người đề xướng cuộc hôn nhân. Tại sao Naômi không yêu cầu Bôô một khi ông muốn lấy Rutơ làm vợ mình?
Thứ tư, Naômi đã chọn một thời điểm, nơi chốn, và phương pháp tiếp cận gây thích thú về mặt nhục dục, thay vì một sự cam kết có ý nghĩa. Naômi đã căn dặn Rutơ phải đến với Bôô trong khi họ đang đạp lúa, một thời điểm đầy vui mừng của lễ hội. Chính ở một cơ hội tương tự mà Giuđa đã có mối quan hệ bất chính với một người nữ mà ông tưởng là gái điếm ở đền thờ, nhưng người ấy lại đổi thành con dâu của ông (Sáng thế ký 38:11-30). Naômi dặn Rutơ phải đến gặp Bôô vào lúc ban đêm, sau khi ông ăn uống say sưa – nói khác đi, đến với ông sau khi ông đã uống đủ vì “lòng ông mừng rỡ”.
“Hãy tắm rửa, xức dầu và mặc quần áo, rồi đi xuống sân đạp lúa; nhưng trước khi người chưa ăn uống xong, con chớ làm cho người nhận biết mình” (Rutơ 3:3, phần nhấn mạnh là của tôi).
“Khi Bô-ô đã ăn uống xong, lòng đang mừng rỡ, đi nằm ở bên một đống lúa mạch kia, nàng bèn đi đến nhẹ nhẹ, dở mền dưới chân người, rồi nằm xuống” (Rutơ 3:7, phần nhấn mạnh là của tôi).
Có người cho rằng tôi đã đọc quá nhiều giữa các dòng chữ ấy. Không phải đâu! Bạn có thể nhìn thấy chính từ ngữ ấy rõ ràng (sát nghĩa: “có tấm lòng nhơn đức” – mừng rỡ)Các Quan Xét 19:6, 9, ở đây cha của người vợ bé kia tỏ ra lòng mến khách hết mức đối với con rễ của mình. Từ ngữ nầy đã được dùng cho Nabanh, khi ông ta đã say khướt (I Samuên 25:36). Chúng ta thấy từ ngữ ấy ở II Samuên 22:11, 13, ở đây David áp lực khiến cho Uri phải say rượu, hầu cho ông ta sẽ đi về nhà rồi ngủ với vợ mình, nhơn đó che đậy tội tà dâm của David. Tiếp đến có II Samuên 13:28, ở đây Ápsalôm dặn dò các tôi tớ mình phải làm cho Amnôn phải say rượu rồi giết chết chàng ta. Từ ngữ cũng được thấy ở Êxơtê 1:10 ở đây Vua xứ Batư, trong tình trạng say sưa, cho đòi hoàng hậu xuất hiện trước mắt ông và cận thần của mình.
Thứ năm, Naômi đã dự trù sự tiếp cận của Rutơ với Bôô phải là một sự tiếp cận nài xin ông với một cấp độ thuộc thể:
“Hãy tắm rửa, xức dầu và mặc quần áo, rồi đi xuống sân đạp lúa; nhưng trước khi người chưa ăn uống xong, con chớ làm cho người nhận biết mình. Khi người nằm ngủ, hãy để ý xem người nằm nơi nào; rồi đi dở mềm dưới chân người và nằm xuống; chính người sẽ nói điều gì con phải làm” (Rutơ 3:3-4).
Hãy dừng lại và suy nghĩ về việc nầy. Bôô đã lao động nhọc nhằn ở trong đồng ruộng, và chính thời điểm ăn uống. Tấm lòng ông rất mừng rỡ, không những vì cớ cơ hội lễ lạc, mà còn vì cớ rượu mà ông đang uống nữa. Một phụ nữ trẻ trung xinh đẹp đến rồi nằm gần ông, xức dầu thơm và áo quần xinh đẹp nhất. Bạn sẽ không đồng ý việc nầy còn hơn là quan hệ bất chính ư?
Thứ sáu, Naômi nói cho Rutơ biết rằng bất cứ điều chi Bôô bảo nàng phải làm, nàng nên làm theo việc ấy (3:4).
Giờ đây nếu có ai phác hiện những điều nghi ngờ của tôi có hơi quá, cho phép tôi chỉ ra cách thức mà Bôô đã phản ứng. Ông dặn Rutơ đừng để cho ai biết nàng đã ở trong sân đạp lúa trong đêm đó (3:14). Nếu đây là phương pháp chuẩn khi đề nghị hôn nhân, thế thì tại sao không để cho mọi người biết sự hiện diện của Rutơ cùng mọi hành vi của nàng? Tại sao sự có mặt của Rutơ ở đó lại là mối đe dọa cho tiếng tăm của Bôô, hay của Rutơ? Không có gì phải lấy làm lạ, Morris chỉ ra những mối nguy hiểm của sự tiếp cận mà Naômi đã đề nghị:
Câu chuyện sử dụng sự thanh tao vốn cực kỳ, song rõ ràng là chương trình của Naômi không phải là không có nguy hiểm. Sự thực cho thấy rằng bà thúc giục Rutơ thực hiện điều nầy với sự tin cậy mà bà đặt vào cả hai bên dự phần. Đây là trường hợp một khi ở vùng Cận Đông có những cách làm phi đạo đức vào thời điểm mùa gặt thì chẳng có gì là bất thường cả, thật vậy, sự ấy được kích khích bởi nghi thức trúng mùa mà một số tôn giáo đã thực hành.
Tôi phải kết luận từ mọi sự thực nầy, rằng Naômi đang tìm cách mang lại cuộc hôn nhân của Rutơ theo một cách thức rất khiêu khích và hấp dẫn, thay vì một phương thức nguyên tắc. Theo ý của tôi, điều nầy không nói tốt cho Naômi.
Rutơ
Tôi dám chắc khi chúng ta đọc về “người vợ tài đức” trong Châm ngôn 31, chúng ta có khuynh hướng nghĩ tới một phụ nữ Do thái. Khi tôi đọc sách Rutơ, tôi nghĩ tới nàng là một “người vợ tài đức” theo như “loại phụ nữ của Châm ngôn 31”. Rutơ chắc chắn là một người nữ tài đức, như chúng ta sẽ thấy.
Ở chương 1, Rutơ tự gắn bó với Naômi, bất chấp sự thực mẹ chồng có giục giã mình cỡ nào đi nữa, khi bà khuyên nàng nên trở về với cha mẹ, xứ sở, và (các) thần của nàng:
"Na-ô-mi nói cùng Ru-tơ rằng: Nầy, chị con đã trở về quê hương và thần của nó; con hãy trở về theo nó đi. Ru-tơ thưa rằng: Xin chớ nài tôi phân rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi; mẹ thác nơi nào, tôi muốn thác và được chôn nơi đó. Ví bằng có sự chi khác hơn sự chết phân cách tôi khỏi mẹ, nguyện Đức Giê-hô-va giáng họa cho tôi!” (Rutơ 1:15-17).
Naômi là một bà cụ già cay đắng, bà nghĩ rằng Đức Chúa Trời đã đối xử gay gắt đối với bà. Bà thúc giục Rutơ nên trở về với quê hương ruột rà Môáp của nàng, với cha mẹ nàng, và với thần tượng của nàng. Người ra sẽ nghĩ rằng điều nầy sẽ là điều rất cám dỗ đối với Rutơ khi “vâng theo” mẹ chồng mình mà trở về quê hương. Sự cam kết của Rutơ đối với Naômi còn lớn lao hơn sự cam kết của một số người đối với hôn nhân. Thật vậy, lời lẽ của Rutơ đôi khi được sử dụng như lời thề hôn ước. Bởi lời thề của nàng, Rutơ tự trói buộc mình với Naômi, với xứ sở Israel, và với Đức Chúa Trời của Israel. Sự cam kết của nàng không phải là sự cam kết ngắn hạn, cho tới chừng Naômi qua đời. Sự gắn bó của Rutơ với Israel và Đức Chúa Trời của Israel là sự gắn bó trọn đời. Rutơ nói cho Naômi biết nàng sẽ ở lại trong xứ Israel sau khi mẹ chồng nàng qua đời. Kỳ thực, Rutơ nói cho Naômi biết rằng nàng cũng phải được chôn với mẹ chồng mình trong xứ Israel. Khi tôi tìm hiểu lời lẽ của Rutơ, nàng đang tỏ ra sự biến đổi của nàng cũng như sự cam kết trọn đời luôn thờ phượng Đức Giêhôva, là Đức Chúa Trời của Israel. Từ lời lẽ nầy của Bôô, tôi tin rằng ông đã hiểu rõ Rutơ theo cùng một cách ấy:
“Bô-ô đáp: Người ta có thuật cho ta nghe mọi điều nàng đã làm cho mẹ chồng nàng, từ khi chồng nàng chết, và cách nào nàng đã lìa cha mẹ, xứ sở sanh của nàng, đặng đi đến một dân tộc mà nàng không biết trước. Nguyện Đức Giê-hô-va báo đáp điều nàng đã làm; nàng đã đến núp dưới cánh Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên; cầu xin Ngài thưởng cho nàng cách trọn vẹn” (Rutơ 2:11-12, phần nhấn mạnh là của tôi)
Ở chương 2, chính Rutơ là người nắm lấy sáng kiến trong việc tìm kiếm sự tiếp trợ cho Naômi bằng cách mót lúa trong đồng ruộng. Không những đây là bằng cớ của sự thực nàng là một nhân công rất chịu khó; mà còn là bằng chứng nói tới đức tin của nàng nữa. Cái điều nàng đề xuất để làm là điều rất nguy hiểm. Một người nữ ngoại bang, trẻ trung, xinh đẹp, độc thân là người có thể bị xúc phạm. Có những người kia, họ sẽ không ngần ngại tận dụng cơ hội đối với nàng (hãy nhớ những người đàn ông trong xứ Ghibêa trong Các Quan Xét 19). Mối nguy hiểm là rõ ràng do cách thức Bôô đã tìm cách bảo hộ nàng:
“Bô-ô nói cùng Ru-tơ rằng: Hỡi con gái ta, hãy nghe, chớ đi mót trong ruộng khác và cũng đừng xa khỏi chỗ này. Hãy ở cùng các tớ gái ta; Xem người ta gặt trong ruộng ở nơi nào, thì hãy đi theo đó. Ta đã cấm các đầy tớ ta đụng đến nàng. Nếu có khát, hãy đi uống nước nơi bình của chúng sẽ múc cho” (Rutơ 2:8-9; xem lời bình của Naômi ở 2:22).
Bôô cảnh báo Rutơ rằng nàng chỉ nên lao động ở trong ruộng của ông, và nàng chỉ mót lúa bên cạnh các nữ con gặt của ông. Thêm nữa, Bôô cảnh báo các tôi tớ mình không nên quấy rối nàng; thật vậy, thậm chí họ không nên lớn tiếng đối với nàng (2:16). Bất chấp những nguy hiểm có thể xảy ra, Rutơ đã bằng lòng mót lúa trong đồng ruộng, hầu cho nàng có thể tiếp trợ cho Naômi và cho chính mình nàng.
Khi Rutơ bước vào ruộng của Bôô để mót lúa, nàng đã chịu khó lao động suốt cả ngày, không ngừng nghỉ. Các con gặt khác đã báo cho Bôô:
“nàng có nói cùng chúng tôi rằng: Xin cho phép tôi đi sau các con gặt mà mót và lượm nơi giữa các bó lúa. Nàng đã đến từ sáng, đứng mót cho đến bây giờ, trừ ra có nghỉ dưới chòi một chút” (2:7).
Khi nàng được mời ngồi vào bàn với Bôô cùng các tôi tớ người, nàng đã giữ lại một số thức ăn cho mẹ chồng mình, thay vì ăn hết mọi thứ (2:14, 18).
Mặc dù Rutơ là một thiếu nữ trẻ, hấp dẫn, nàng không sử dụng dáng dấp mình theo cách thức quyến rũ, mà rất là hạ mình và khiêm tốn:
“Ru-tơ bèn sấp mình xuống dưới chân người, cúi đầu đến đất, mà thưa rằng: Vì duyên cớ nào tôi được ơn trước mặt ông, đến đỗi ông đoái xem tôi, vốn là một người ngoại bang?” … Nàng thưa rằng: Hỡi chúa! chúa đã an ủi và giục lòng kẻ tôi tớ chúa, cầu chúa lấy lòng ân huệ đãi tôi, dẫu rằng tôi không đồng bực cùng các tớ gái chúa!” (Rutơ 2:10, 13).
Khi chúng ta đến với chương 3, chúng ta thấy Rutơ vâng phục làm theo những lời dặn dò mà Naômi đã bảo nàng, hành động trong đức tin, với sự nhún nhường và hạ mình. Nàng chẳng có quyến rũ chi hết. Sự đáp ứng của Bôô là sự đáp ứng nhắm vào bản chất tin kính của nàng:
“Người nói: Hỡi con gái ta, nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho con! Việc nhân từ con làm lần sau này, lại còn trọng hơn lần trước; vì con chẳng có theo những gã trai trẻ, vô luận nghèo hay giàu” (Rutơ 3:10).
Nói chung, Rutơ được xem là một người nữ xứng đáng và cao quý:
“Vậy bây giờ, hỡi con gái ta, chớ sợ chi: ta sẽ làm cho nàng mọi điều nàng sẽ nói; vì cả dân sự trong thành ta đều biết rằng nàng là một người đàn bà hiền đức” (Rutơ 3:11, phần nhấn mạnh là của tôi).
"Các người đàn bà nói cùng Na-ô-mi rằng: Đáng ngợi khen Đức Giê-hô-va chẳng từ chối cho bà một người có quyền chuộc lại; nguyện danh của người trở nên sang trọng nơi Y-sơ-ra-ên! Nó sẽ an ủi lòng bà, dưỡng già bà; vì ấy là dâu bà vẫn thương bà, đã sanh nó cho bà; nàng quí cho bà hơn bảy con trai!” (Rutơ 4:14-15, phần nhấn mạnh là của tôi).
Bôô
Bôô là một nhân vật rất đặc biệt. Dường như ông là một người lớn tuổi (3:10), và ông là một con người rất giàu có. Ông cũng là một con người ngay thẳng và có tánh tốt. Một số người có khuynh hướng nghĩ rằng Bôô đã tỏ ra sự ưu ái đối cùng Rutơ chủ yếu là vì nàng xinh đẹp. Tôi mạnh dạn không đồng ý. Theo ý kiến của tôi, Bôô rất tử tế và giàu ơn đối với mọi người, chớ không phải chỉ với Rutơ đâu. Chúng ta có thể nhìn thấy một sự tôn trọng hiển nhiên giữa Bôô cùng các con gặt của ông:
“Vả, nầy Bô-ô ở Bết-lê-hem đến, nói cùng các con gặt rằng: Nguyện Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi! Chúng đáp: Nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho ông!” (Rutơ 2:4)
Khi lần đầu tiên ông chú ý đến Rutơ, Bôô nhìn xem nàng không phải giống như ai đó “dễ thương” đâu, mà là người đã thuộc về ai đó rồi:
“Đoạn, Bô-ô nói cùng đầy tớ coi sóc các con gặt rằng: Người gái trẻ này là con của ai?” (Rutơ 2:5)
Mối quan tâm của ông đối với Rutơ là mối quan tâm “của một người cha”. Ít nhất hai lần (2:8; 3:10) Bôô đề cập tới Rutơ là “con gái ta”, như ngược lại với người “yêu quý”, “phải lòng”, “dấu yêu” và tương tự thế. Bôô công nhận rằng Rutơ là một người nữ hiền đức, và nàng đang tìm cách tiếp trợ cho Naômi. Kết quả là, Bôô đối xử rời rộng với Rutơ. Ông để cho nàng ngồi chung bàn với mình và uống thứ nước được cung cấp cho các tôi tớ của ông (2:9, 14). Ông muốn thấy không một người nào làm hại cho Rutơ (2:8-9, 16). Ông dặn dò các tôi tớ mình phải chừa lại lúa tốt nhứt để cho nàng mót lấy (2:15-16). Ông vui thích nơi sự tin kính của nàng, lòng chung thủy của nàng với Naômi, và nơi sự thực nàng đã tự mình phó thác cho Đức Chúa Trời của Israel. Ông cầu mong Đức Chúa Trời giáng phước trên nàng (2:11-12).
Bổn tánh tin kính của Bôô đặc biệt rất rõ ràng ở các chương 3 và 4. Bôô xử sự cao thượng với Rutơ khi ông khám phá ra nàng đang nằm cạnh ông, về mặt biểu tượng cầu xin ông kết hôn cùng nàng. Ông không lợi dụng nàng. Ông nói cho Rutơ biết rằng ông không phải là người bà con gần nhất, cho nên ông không thể lấy nàng làm vợ cho tới chừng nào ông công khai giải quyết vấn đề nầy. Ông bảo vệ danh dự của nàng bằng cách bảo nàng rời đi trước khi có ai đó trông thấy nàng. Ở chương 4, Bôô định liệu vấn đề nầy công khai tại nơi cổng thành. Ông không nổ lực làm khác đi sự việc cho dù là thế nào, cũng như ông đã khuyên người bà con gần nhất nên mua tài sản của Êlimêléc và lấy Rutơ làm vợ. Mọi sự ông thực hiện đều là chơn thật cả.
Phần kết luận
Sách Rutơ đúng là một câu chuyện ấm lòng, tuyệt vời. Tuy nhiên, đây không phải là một truyện tình lãng mạn đâu; đây là một câu chuyện với những bài học dành cho Israel và cho chúng ta. Khi chúng ta kết thúc, chúng ta hãy xem xét ý nghĩa và sứ điệp của quyển sách nầy.
Thứ nhứt, Sách Rutơ cung ứng cho chúng ta bảng gia phổ của Vua David, một trong những vì vua nổi tiếng nhất trong mọi thời đại. Leon Morris viết:
Sự thực thú vị, ấy là dù David là vị vua lỗi lạc nhất được nói tới trong các sách lịch sử, và mặc dù ông được các thế hệ tới sau nhìn vào như một nhà vua lý tưởng, chẳng có bảng gia phổ nào nói tới ông trong sách I Samuel. Chỉ có nói đến ông là ‘con trai của Giesê’. Sách Rutơ kết thúc với bảng gia phổ đi ngược về Phêrết, con trai của Giuđa. Như thế chúng ta thấy quyển sách được viết ra để cung ứng phần gia phổ còn thiếu sót.
Thứ hai, chúng ta thấy bất luận thời thế có tối tăm dường nào, Đức Chúa Trời luôn luôn bảo tồn một số dân sót công bình. Nhiều năm sau đó, Êli đã nghĩ: “chỉ một mình tôi còn lại” (I Các Vua 19:10, 14). Sự thực cho thấy Đức Chúa Trời đã bảo tồn 7.000 người không có “quì gối trước mặt Baanh” (I Các Vua 19:18). Chính trong những thời điểm tối tăm lắm ấy, “ngọn đèn” của Tin Lành chiếu sáng nhất qua những đời sống và sự làm chứng của các thánh đồ:
“nếu ngươi mở lòng cho kẻ đói, và làm no kẻ khốn khổ, thì sự sáng ngươi sẽ sáng ra trong tối tăm, và sự tối tăm ngươi sẽ như ban trưa” (Êsai 58:10).
“Đêm đã khuya, ngày gần đến; vậy chúng ta hãy lột bỏ những việc tối tăm mà mặc lấy áo giáp sáng láng” (Rôma 13:12).
“Vả, lúc trước anh em đang còn tối tăm, nhưng bây giờ đã nên người sáng láng trong Chúa. Hãy bước đi như các con sáng láng” (Êphêsô 5:8).
“Phàm làm việc gì chớ nên lằm bằm và lưỡng lự, hầu cho anh em ở giữa dòng dõi hung ác ngang nghịch, được nên con cái của Đức Chúa Trời, không vít, không tì, không chỗ trách được, lại giữa dòng dõi đó, giữ lấy đạo sự sống, chiếu sáng như đuốc trong thế gian; cho đến nỗi tới ngày của Đấng Christ, tôi có thể khoe mình rằng chẳng đã chạy vô ích và khó nhọc luống công” (Philíp 2:15-16).
Thứ ba, chúng ta được nhắc nhớ qua phân đoạn Kinh thánh rằng mọi hành động của chúng ta có thể chạm đến các thế hệ trong tương lai. Các đời sống tin kính của Rutơ và Bôô không những là một phước hạnh cho Naômi, họ còn là ơn phước cho nhiều thế hệ tới sau nữa. Đứa con sanh ra cho Rutơ và Bôô sẽ trở thành ông nội của Vua David (Rutơ 4:18-22). Chúng ta biết rất ít về những quyết định và hành động của chúng ta chạm đến đời sống của những người đến sau chúng ta có tầm cỡ như thế nào.
Thứ tư, Bôô là minh họa tuyệt vời của “tôn giáo thật”.
“Khi các ngươi gặt lúa trong xứ mình, chớ có gặt đến cuối đầu đồng, và chớ mót lại những bông còn sót; các ngươi chớ cắn mót nho mình, đừng nhặt những trái rớt rồi, hãy để cho mấy người nghèo và kẻ khách: Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi” (Lêvi ký 19:9-10).
“vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi là Đức Chúa Trời của các thần, và Chúa của các chúa, tức là Đức Chúa Trời rất lớn, có quyền năng và đáng sợ, không thiên vị ai, chẳng nhận của hối lộ, bào chữa công bình cho kẻ mồ côi và người góa bụa, thương người khách lạ, ban đồ ăn và áo xống cho người. Vậy, các ngươi phải thương người khách lạ, vì các ngươi đã làm khách trong xứ Ê-díp-tô” (Phục truyền luật lệ ký 10:17-19).
“Khi ngươi gặt trong đồng ruộng, quên một nắm gié lúa ở đó, thì chớ trở lại lấy. Nắm gié ấy sẽ về phần khách lạ, kẻ mồ côi, và người góa bụa, hầu cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban phước cho ngươi trong mọi công việc của tay ngươi làm” (Phục truyền luật lệ ký 24:19).
“Hãy học làm lành, tìm kiếm sự công bình; hãy đỡ đần kẻ bị hà hiếp, làm công bình cho kẻ mồ côi, binh vực lẽ của người góa bụa” (Êsai 1:17).
“Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện; cái điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công bình, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?” (Michê 6:8).
Bôô quả là một nhân vật đáng nể. Luật pháp Môise buộc ông phải chừa lại ở những góc ruộng những bó lúa chưa cắt cũng như bó lúa ngã nằm dưới ruộng. Bôô căn dặn các tôi tớ mình chừa lúa lại sau lưng để Rutơ mót lấy. Bôô cũng cung cấp nước và đồ ăn cho Rutơ. Ông đối đãi với nàng như một trong các con gặt của ông. Ông đã tìm cách bảo hộ nàng tránh khỏi những người muốn làm hại hay ngược đãi nàng. Bôô không phải là người anh em của người chồng quá cố của Rutơ, và như chúng ta thấy, ông không có nghĩa vụ về mặt luật pháp phải lấy Rutơ làm vợ mình. Tuy nhiên, ông đã làm thế, đi thêm một dặm nữa trong hầu hết mọi tình huống để chăm sóc cho Naômi, và cho Rutơ.
Mục tiêu của tôi trong mọi sự nầy, ấy là Bôô không nhìn vào luật pháp như một đòi hỏi mà ông phải làm thỏa mãn trong sự bực bội, giống như chúng ta nhắm vào việc nộp các thứ thuế thu nhập của mình vậy (chúng ta không tính giao cho nhà cầm quyền một xu nào nhiều hơn luật pháp bó buộc). Bôô đã xem luật pháp là tiêu chuẩn tối thiểu. Ông đã xem sự thương xót và sự rộng lượng lớn lao hơn như đặc ân của ông, và là khoái lạc của ông. Đây là một nhân vật thực sự yêu mến luật pháp của Đức Chúa Trời, và ông đã sống đời sống của mình trong một tinh thần lấy làm vui thích trong sự phục vụ Đức Chúa Trời và tha nhân.
Thứ năm, Sách Rutơ là một sự giải thích xuất sắc về lòng bác ái Cơ đốc. Lòng bác ái của đúng là một sự đối ngược với phúc lợi trong thời buổi của chính chúng ta. Thường thì các chương trình phúc lợi ngăn trở (hay thậm chí trừng phạt) sự chịu khó lao động. Các chương trình phúc lợi cũng làm giảm giá trị người ta, thay vì cung cấp cho họ một phương tiện xứng đáng trong việc tiếp trợ cho họ các nhu cần riêng của họ cùng mọi nhu cần của gia đình họ. Rutơ không những được cung ứng cho một của bố thí, mà nàng còn được cung ứng cho cơ hội để lao động, và nàng đã vui vẻ nắm lấy cơ hội. Công việc lao động khó nhọc của nàng đã kiếm được cho nàng sự tôn trọng của cả cộng đồng. Đấy là loại bác ái mà chúng ta nên phấn đấu để thể hiện trong thời buổi của chính chúng ta.
Thắc mắc mà tôi thường hay vật vã với là đây: “Trong thời đại kỷ thuật nầy, điều gì lập thành ‘góc ruộng của tôi’ chứ?” Tôi không phải là một nông dân, và hầu hết quí vị cũng thế. Vậy thì, làm thế nào chúng ta thể hiện nguyên tắc bác ái với cách thức cung cấp mọi nhu cần cho người nghèo, trong một phương thức giữ được (và thậm chí kích thích) phẩm cách của họ? Đây là một sự thách thức thực sự, và câu trả lời cho mỗi một người chúng ta có thể khác biệt đôi chút. Tôi nhận ra rằng không phải ai cũng có khả năng lao động, song đây là chỗ tối thiểu thôi. Đối với người nào có khả năng lao động, chúng ta nên tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc làm của họ. Chẳng có một câu trả lời nào mau chóng và dễ dàng ở đây hết, song các nguyên tắc thì rất rõ ràng, và tôi tin những câu trả lời có ở đó cho những ai thành thật tìm kiếm chúng.
Thứ sáu, Sách Rutơ cung ứng cho chúng ta với sự sáng suốt nhìn vào vai trò của dân Ngoại trong “tấn thảm kịch cứu chuộc chưa mở ra” của Đức Chúa Trời. Bôô đã nhận thức trước đủ để nhận ra rằng một phụ nữ dân Ngoại nầy, là người đã vòng tay ôm lấy Đức Chúa Trời của Israel bởi đức tin có thể bước vào các ơn phước của người Do thái. Điều nầy được ám chỉ trong phước hạnh đã công bố giáng trên Rutơ ở 2:11-12. Chính vì lý do nầy mà Bôô chẳng có sự e dè nào cả trong việc lấy Rutơ làm vợ và có con cái với nàng. Cảm tạ sự sáng suốt và thành nhơn của Bôô, sự thăng hoa của một thánh đồ dân Ngoại đã được nắm bắt, với một lượng nào đó, bởi dân sự của thành ấy:
“Cả dân sự hiện ở nơi cửa, và các trưởng lão, đều đáp rằng: Chúng tôi làm chứng điều đó. Nguyện Đức Giê-hô-va làm cho người nữ vào nhà ngươi giống như Ra-chên và Lê-a, là hai người đã dựng nên nhà Y-sơ-ra-ên! Hãy trở nên cường thạnh nơi Ep-ra-ta và làm cho nổi danh ngươi trong Bết-lê-hem! Nguyện con cháu ngươi mà Đức Giê-hô-va sẽ ban cho ngươi bởi người gái trẻ này, làm cho nhà ngươi giống như nhà của Pha-rết, mà Tha-ma đã sanh cho Giu-đa!” (Rutơ 4:11-12, phần nhấn mạnh là của tôi).
Tôi phải tốn một ít thời gian để xem xét vấn đề nầy, nhưng đối với bạn thì chỉ nhìn thấy vấn đề ấy một lần đủ cả thôi. Trong việc chúc phước cho Rutơ, dân sự thành Bếtlêhem đã đề cập tới ba người phụ nữ, hết thảy trong số họ đều là “dân ngoại” đối với nhận định của một người Do thái. Rachên và Lêa là người bà con, song để nhận được hai phụ nữ nầy làm vợ mình, Giacốp phải rời xứ Canaan mà đi đến Phađan Aram, ở đó ông đòi hỏi Lêa và em gái nàng là Rachên. Giuđa vô tình chu toàn mọi bổn phận của một cuộc hôn nhân theo kiểu tái hôn khi ông có quan hệ tình dục với con dâu mình là Tama (Sáng thế ký 38). Dân sự của thành Bếtlêhem nhìn biết rằng Đức Chúa Trời đã chúc phước cho Israel qua các người nữ “dân Ngoại” nầy, và vì thế chẳng có gì khó cho họ khi tin rằng Đức Chúa Trời sẽ chúc phước cho Israel qua Rutơ. Và điều nầy Đức Chúa Trời đã làm, với một cách thức vượt quá suy tưởng hoang dại của họ. Rutơ sẽ trở thành tổ mẫu của Vua David (Rutơ 4:18-22).
Giờ đây chúng ta đã nhìn thấy Đức Chúa Trời “kết hợp” một số dân Ngoại vào trong phổ hệ cũa Đấng Mêsi được hứa cho. Trước hết, chúng ta thấy Raháp được Israel vòng tay tiếp lấy, vì cớ đức tin của nàng (Giôsuê 2:1...; 6:17-25). Thực vậy, Raháp là vợ của Sanhmôn, và là mẹ của Bôô. Có phải chi tiết nầy là lý do tại sao Bôô có thể dễ dàng vòng tay đón lấy Rutơ như một thành viên trong ngôi nhà đức tin không? Nếu mẹ ông là một người thuộc dân Ngoại, tại sao lại là không đối với người vợ của ông chứ? Bên cạnh Raháp và Rutơ, cũng còn có Tama, Lêa, và Rachên. Đức Chúa Trời đã không loại dân Ngọai ra khỏi chương trình cứu chuộc của Ngài, mà đã “kết hợp” họ với người Do thái như một phần trong chương trình của Ngài.
Thứ bảy, Naômi, Rutơ, và Bôô mỗi người làm biểu tượng cho một nhân vật hay một nhóm đặc biệt. Naômi làm biểu tượng cho Israel trong một tư thế không đẹp đẽ mấy. Bà phác họa một thái độ như có quyền, và bà cay đắng đối với Đức Chúa Trời vì không trút đổ phước hạnh lên trên bà. Dường như bà không nắm bắt được ân điển của Đức Chúa Trời, và chắc chắn bà không công nhận bất kỳ tội lỗi nào nơi phần của mình. Dường như bà không biết tới tình trạng gian ác của thời buổi ấy, và đối với thực tại sự phán xét của Đức Chúa Trời. Bà rời xứ Israel với chồng mình, song đã không trở lại cho tới nhiều năm sau đó, sau khi các con trai bà đã kết hôn với những người vợ Môáp. Lý do của bà khi trở về Israel, ấy là có lương thực ở đó một lần nữa. Naômi ít quan tâm đến sự sống thuộc linh của các con dâu mình. Bà nổ lực đưa họ trở lại với gia đình họ và với tà giáo của họ. Trong sự việc nầy, dường như bà đang tỏ ra một số tinh thần của Giôna. Bà cũng có cái gì đó hấp dẫn, như có thể thấy được trong cách thức bà nổ lực bày ra cuộc hôn nhân của Rutơ với Bôô. Trong cách thức nầy, dường như bà có đôi chút Giacốp trong dòng máu của mình. Ngay cả đánh giá của tôi về Naômi có đôi chút khó chịu, có ít điều để nói đến thiện ý của bà. Bất chấp mọi thất bại và cay đắng của bà, Đức Chúa Trời đã giàu ơn tuôn đổ ơn phước của Ngài giáng trên bà, và với một cấp độ lớn lao, qua một người dân Ngoại. Có phải Phaolô không nói tới ơn cứu rỗi của người dân Ngoại là một phần trong chương trình của Đức Chúa Trời để cứu với người Do thái chăng (xem Rôma 11:11-32)?
Rutơ là một hình ảnh nói tới những người dân Ngoại có đức tin mà Đức Chúa Trời tháp vào “gốc nho” các ơn phước giao ước của Ngài (Giăng 10:16; Rôma 11:17...). Nàng chẳng đòi hỏi gì đến các ơn phước nầy, mặc dù nàng xứng đáng có được chúng, song hạ mình tiếp nhận chúng như một sự tỏ ra ân điển của Đức Chúa Trời. Nàng là tấm gương cho những ai là một người Do thái thực, không phải do phẩm hạnh của tiền nhân, mà là do giá trị đức tin của nàng:
“Vì chưng anh em bởi tin Đức Chúa Jêsus Christ, nên hết thảy đều là con trai của Đức Chúa Trời. Vả, anh em thảy đều chịu phép báp tem trong Đấng Christ, đều mặc lấy Đấng Christ vậy. Tại đây không còn chia ra người Giu-đa hoặc người Gờ-réc; không còn người tôi mọi hoặc người tự chủ; không còn đàn ông hoặc đàn bà; vì trong Đức Chúa Jêsus Christ, anh em thảy đều làm một. Lại nếu anh em thuộc về Đấng Christ, thì anh em là dòng dõi của Ap-ra-ham, tức là kẻ kế tự theo lời hứa” (Galati 3:26-29; cũng xem 3:7; 6:16; Rôma 9:6; Philíp 3:3).
Giống như Đức Chúa Trời kết hiệp Rutơ (một người Ngoại) và Bôô (một người Do thái) trong cuộc hôn nhân, cũng một thể ấy Đức Chúa Trời đã hiệp người Do thái và dân Ngoại trong Đấng Christ:
“Vậy, anh em, theo xác thịt là người ngoại, bị những kẻ xưng mình là người chịu cắt bì trong xác thịt bởi tay người ta, gọi anh em là người không chịu cắt bì, hãy nhớ lại lúc trước, trong thuở đó, anh em không có Đấng Christ, bị ngoại quyền công dân trong Y-sơ-ra-ên, chẳng dự vào giao ước của lời hứa, ở thế gian không có sự trông cậy và không có Đức Chúa Trời. Nhưng trong Đức Chúa Jêsus Christ, anh em là kẻ ngày trước cách xa, hiện nay đã nhờ huyết Đấng Christ mà được gần rồi. Vì, ấy chính Ngài là sự hòa hiệp của chúng ta; Ngài đã hiệp cả hai lại làm một, phá đổ bức tường ngăn cách, là sự thù nghịch đã phân rẽ ra, bởi vì Ngài đã đem thân mình mà trừ bỏ luật pháp của các điều răn chép thành điều lệ. Như vậy, khi làm cho hòa nhau, Ngài muốn lấy cả hai lập nên một người mới trong Ngài, và vì bởi thập tự giá Ngài đã làm cho sự thù nghịch tiêu diệt, nên nhờ thập tự giá đó Ngài khiến cả hai hiệp thành một thể, mà làm hòa thuận với Đức Chúa Trời. Ngài lại đã đến rao truyền sự hòa bình cho anh em là kẻ ở xa, và sự hòa bình cho kẻ ở gần. Vì ấy là nhờ Ngài mà chúng ta cả hai đều được phép đến gần Đức Chúa Cha, đồng trong một Thánh Linh. Dường ấy anh em chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời. Anh em đã được dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri, chính Đức Chúa Jêsus Christ là đá góc nhà, cả cái nhà đã dựng lên trên đá đó, sắp đặt cách hẳn hoi, để làm nên một đền thờ thánh trong Chúa. Ấy, anh em cũng nhờ Ngài mà được dự phần vào nhà đó, đặng trở nên nhà ở của Đức Chúa Trời trong Thánh Linh” (Êphêsô 2:11-22).
Bôô là một hình ảnh nói tới Đức Chúa Trời, và đặc biệt hơn nữa, nói tới Đức Chúa Jêsus Christ của chúng ta. Chính ông, giống như Đấng Christ, đã tiếp đón dân Ngoại vào trong gia đình đức tin (thí dụ, xem Luca 4:16-30, đặc biệt các câu 23-27). Ông là người bà con có quyền chuộc, ông “cứu” Naômi và Rutơ trong lúc có cần của họ. Giống như Bôô trở nên “một thịt” với Rutơ, tiếp tục phổ hệ của Đấng Mêsi được hứa cho, cũng một thể ấy Chúa Jêsus của chúng ta mặc lấy xác thịt con người, trở nên một người với chúng ta trong nhân loại của chúng ta, để chúng ta có thể trở nên một với Ngài bởi đức tin, rồi nhơn đó mà được cứu. Bôô gạt qua một bên sở thích riêng của mình (không giống như người bà con gần nhất kia), hầu cho ông trở thành nguồn phước cho những ai đang có cần.
Thứ tám, Rutơ và Bôô làm minh họa cho loại tình yêu chung thủy mà chúng ta phải tỏ ra đối cùng kẻ không đáng được yêu. Tôi nói rõ chỗ tôi thấy Naômi là một bà cụ cay đắng, bà tìm Đức Chúa Trời để đổ thừa cho mọi cảnh ngộ khó khăn trong cuộc sống. Đây không phải là loại người mà bạn và tôi sẽ đề phòng ở chung quanh. Những lời bình phấn khởi của bạn bè và người lân cận Naômi bị “hạ gục” bởi đáp ứng rất tiêu cực của Naômi (1:19-21). Nếu tôi là Rutơ, tôi sẽ bị cám dỗ vâng theo mọi lời căn dặn của bà, bỏ bà lại rồi đến với gia đình riêng của mình. Nhưng Rutơ đã bền đỗ, không phải vì Naômi dễ thương (như cái tên của bà chỉ ra đó) hay dễ yêu đâu, mà vì cớ tình yêu của nàng dành cho người không đáng được yêu. Tình yêu của Rutơ dành cho Naômi không nằm trong đáp ứng với tình trạng dễ thương của Naômi, mà bất chấp thái độ cay đắng của bà ta. Tình yêu của nàng được kích thích bởi nhu cần của Naômi.
Sự nhịn nhục và bền đỗ của Rutơ thật đáng kinh ngạc, không những trong thời buổi của nàng, mà trong thời buổi của chúng ta nữa. Có bao nhiêu người chồng người vợ đã chia tay vì bị người kia chọc tức? Rutơ chẳng có bổn phận nào hợp pháp với Naômi, chỉ có bổn phận của tình yêu thương mà thôi. Vì Rutơ giữ lòng trung thành và chung thủy với mẹ chồng nàng, nàng đã được khen ngợi và được Đức Chúa Trời ban thưởng rất lớn lao.
Tôi rất ngạc nhiên nếu bạn, bạn độc giả thân mến của tôi, đã xem xét cách thức chia tay khi bạn lẽ ra phải bền đỗ? Naômi của bạn là ai vậy? Có thể là một người bạn, hay một người bà con (một bà mẹ chồng?), hay thậm chí người bạn đời của bạn. Sách Rutơ đã nói gì với bạn về sự bền đỗ? Tôi nghĩ sách ấy quở trách chúng ta vì mọi thái độ ích kỷ của chúng ta và vì chúng ta thiếu chức năng tôi tớ và đầu phục với những người ở chung quanh chúng ta. Chúng ta hãy tiếp thu để nhịn nhục trong các mối quan hệ của chúng ta với tha nhân, giống như Đức Chúa Trời đã khăng khăng trong sự thành tín của Ngài đối với chúng ta, ngay cả khi chúng ta sống bất trung (xem II Timôthê 2:13).
Thứ chín, chúng ta nhìn thấy tội lỗi của Naômi không giữ Rutơ không tin cậy nơi Đức Chúa Trời của Israel. Tôi biết có nhiều người đã cáo lỗi vì sự vô tín của họ bằng cách chỉ vào một Cơ đốc nhân rồi tố cáo họ là giả hình. Naômi là một tấm gương nói tới một người Do thái ở chỗ tệ hại nhất của họ, song có những người khác, như Bôô, họ là hạng thánh đồ rất tuyệt vời. Không một ai trong chúng ta sẽ cáo lỗi vì sống như Naômi, nhưng không một người chưa tin Chúa nào sẽ được buông tha khỏi cơn thạnh nộ đời đời của Đức Chúa Trời vì một số thánh đồ đã sống giả hình. Các thất bại của Naômi đã không giữ cho Rutơ không có đức tin. Đừng để cho một kẻ giả hình trở thành lời cáo lỗi của bạn vì sẽ đi địa ngục. Hãy tin cậy nơi Đức Chúa Jêsus Christ, điều khoản duy nhứt của Đức Chúa Trời cho sự cứu rỗi đời đời của bạn. Đời sống vô tội, sự chết có tính cách hy sinh, và sự sống lại siêu nhiên của Ngài là điều khoản của Đức Chúa Trời dành cho sự cứu rỗi của bạn đấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét